DANKE DEUTSCHLAND

HỘI NGỘ và TRI ÂN

Trang nhà Mục lục                    

Nước Đức ơi, xin tạ ơn người!

Đặng Tú Dũng

Nuoc Duc

Gian đại sảnh của rạp ciné Zoopalast được bật sáng lên. Buổi ra mắt bộ phim nổi tiếng được nhiều giải thưởng “Goodbye Lenin“ vừa chấm dứt. Các diễn viên kéo nhau ra sân khấu trình diện trong tiếng vỗ tay reo hò của khán giả ái mộ.

Tôi cùng với phần đông khán giả ngồi nán lại trên ghế và đồng vỗ tay hoan hô. Đằng sau lưng nhóm diễn viên, cuộn phim vẫn còn đang chiếu phần giới thiệu. Đột nhiên tim tôi đập nhanh, vì tôi vừa thấy tên mình trên màn ảnh. Tôi hiểu ra rằng hãng sản xuất phim đang cảm ơn những người đã giúp đỡ để hoàn thành bộ phim này, trong đó có cả tôi nữa. Tôi là một công chức của Sở Giao Thông Công Chánh của Bá Linh. Tôi trên cương vị một công chức của sở giao thông công chánh, chuyên lo về việc điều hành, sắp xếp những công trình xây cất, cũng như hội hè và quay phim trên đường phố Berlin. Nếu chưa có chữ ký của tôi thì không ai được phép chặn đường để xây cất hoặc quay phim.

Đây là lần thứ hai trong ngày tôi có một ấn tượng sâu đậm về công việc của tôi. Mới sáng nay thôi, tôi đi dự một cuộc họp tại hiện trường của một công trình xây dựng một tòa nhà lớn ở quận Tiergarten. Ngoài ông chủ dự án và kỹ sư điều hành công trình còn có tôi đại diện cho Sở Giao Thông Công Chánh và hai nhân viên cảnh sát tham dự buổi họp này. Sau khi lắng nghe ông chủ dự án và người kỹ sư trình bày kế hoạch xây dựng, bằng một thái độ lịch sự tôi thong thả đưa ra những đòi hỏi chắc nịch của phía Sở Giao Thông Công Chánh về việc chặn đường để đảm bảo an toàn và tránh ùn tắc giao thông. Những đòi hỏi này chắc chắn sẽ tăng thêm phí tổn không ít cho công trình. Sau khi tôi giải thích về đòi hỏi của tôi cho ông chủ dự án và nhà thầu thì ông chủ, một người đàn ông lớn tuổi và phúc hậu đã chấp nhận một cách tự nhiên không có điều chi đôi co hay phản đối. Trong lòng tôi rất ngạc nhiên về thái độ của hai nhân viên cảnh sát đi cùng: Thông tường họ rất tích cực đòi hỏi khắt khe hơn cho những điều kiện tôi đưa ra cho một công trình xây dựng, lần này thì họ nín thinh??? Trên đường về tôi hỏi họ thì thay vì trả lời họ hỏi ngược lại tôi một cách ngạc nhiên rằng tôi không nhận ra ông chủ dự án là ông cựu Giám Đốc Tổng Nha Cảnh Sát Bá Linh Georg Schertz hay sao? Ông này đã từng nhận hai nhân viên này vào làm cảnh sát đầu thập niên 80, vì thế trong buổi họp họ đã tỏ ra rất kính nể và nhượng bộ. Thế mà tôi, một người gốc Việt, da vàng mũi tẹt 100%, đại diện cho chính quyền Đức đã thi hành nhiệm vụ theo pháp luật, đã dám đưa ra đòi hỏi đối với một viên cựu Giám Đốc Tổng Nha Cảnh Sát.

Và giờ đây trong rạp chiếu bóng Zoopalast, tôi đang suy nghĩ miên man về cái nghề nghiệp thú vị của tôi, không có sự giúp đỡ của tôi thì sao nhỉ?

Cuốn phim vẫn thành tựu và vẫn đoạt giải vì “không có mợ thì chợ vẫn đông“ cơ mà.

Trong giây phút hiện tại tôi khép mắt lại và thả hồn về quá khứ xa xưa.

Vào một ngày mưa gió sau ngày tựu trường của niên khóa 1978/ 1979 một cậu nhỏ run rẩy đứng cạnh người anh trạc 18 trong một căn phòng bài trí đơn sơ của ông hiệu trưởng trường Trung Học Phan Bội Châu ở Sài Gòn. Người anh choàng vai em mình hầu che chở cho cậu em đang sợ vì không biết tại sao bị gọi lên văn phòng hiệu trưởng. Ông hiệu trưởng này nổi tiếng hắc ám và khó khăn như các đồng nghiệp khác. Ông ta đã trừng phạt biết bao đứa học sinh, chỉ vì chúng nó đã không tuân theo luật lệ mới của đảng cộng sản đã ban hành. Cũng có rất nhiều “đồng chí“ đọc không thạo, viết chưa thông, nhưng vì những thành tích trong chiến tranh và sự trung thành với đảng, đã được bổ nhiệm làm hiệu trưởng.

Người anh kéo thằng em sát lại gần hơn để trấn an. Ở đằng sau chiếc bàn ăn cũ kỹ được thay thế cho cái bàn viết chính thức đã được lấy đi cùng những đồ vật quý giá khác sau ngày 30.04.1975 mãi ba năm sau vẫn chưa được trả lại, là một người đàn ông với nước da tái mét và phục sức đơn giản, Đó là người các em học sinh nghe đến tên đã phát sợ và chán ghét, thầy Hiệu trưởng.

Qua hàng khói dầy đặc của điếu thuốc cắm giữa hai hàm răng, ông hiệu trưởng đảo cặp mắt ti hí về phía hai anh em vừa vào. Thầy hiệu trưởng dùng bàn tay phải xương xẩu với những ngón tay vàng khè vì nhựa thuốc lá xua đám khói trước mặt đi. Từ phục sức, vóc dáng cho đến phong cách, con người này chẳng tỏ ra một chút gì là trí thức cả. Ông ta từ từ đứng dậy, lấy điếu thuốc ra khỏi miệng và nói bằng một giọng đắc thắng:

-“Này cậu nhỏ, tôi chúc mừng em. Trong kỳ thi tốt nghiệp cấp ba vừa qua (ông ta không nói là Tú Tài mà cũng có thể ông ta không biết Tú Tài là gì) em đã đậu hạng ba trong số hơn 1000 thí sinh của Quận. Thế nhưng vì ba em là lính ngụy và ông em làm quan cho chế độ phong kiến nên em không được cấp bằng tốt nghiệp và qua đó em cũng không được đi học đại học luôn. Chúng tôi không có chỗ cho con cái của kẻ thù.”

Người anh nghiến chặt răng để khỏi bật lên câu chửi. Một lúc sau anh nói bằng một giọng nặng trĩu:

-“ Dạ cám ơn thầy, em đã hiểu rồi.”

Đứa em mở to đôi mắt nhìn anh mình đang đỏ mặt tía tai vì cơn giận.

Ông hiệu trưởng tiến tới gần cậu anh, đặt tay lên vai cậu và nói ra vẻ độ lượng:

-“Vì em là một học sinh giỏi của trường nên tôi cho em một cơ hội: Em nên tình nguyện xin vào bộ đội, vì hiện tại chúng ta cần nhiều chiến sỹ qua chiến trường Cam Pu Chia để dạy cho tên phản bội Pol Pot một bài học. Sau đó khi em trở về, em sẽ được cấp bằng tốt nghiệp và sẽ được đi học đại học.”

Nhìn qua thằng em ông ta tiếp:

-“...Còn thằng bé này đây, tiến trình học vấn cũng không tiến xa được đâu. Sau này giỏi lắm chỉ hết lớp 10 là trễ lắm!

Đứa em bật lên khóc vì nó không tưởng tượng nổi là chỉ được đi học đến hết lớp mười mà thôi.

Bầu không khí trong phòng trở nên nặng nề.

Đến đây hẳn quý vị đã nhận ra thằng bé run rẩy sợ hãi của cách đây 20 năm chính là tôi, người đang ngồi trong rạp ciné và đang được người Đức cám ơn.

Từ đó đến nay, trong tôi luôn lẩn quẩn câu hỏi tôi sẽ ra sao nếu tôi không chạy thoát bình yên. Trong một trường hợp thì câu trả lời quá rõ ràng, nếu cuộc vượt biên của tôi không thành công thì bây giờ làm gì có một ông công chức Đặng Tú Dũng. Còn như tôi bị công an biên phòng bắt giữ thì tội trạng của tôi cộng thêm lý lịch 3 đời “phản động“ của gia đình, tôi sẽ không còn đất để đứng, các con tôi sẽ không ngóc đầu lên nổi. Điều này tôi đã thấy được trong gia đình bà con và bạn bè tôi trong những chuyến về thăm Việt Nam sau này.

Một thực tế đáng vui mừng là chuyến vượt biển tìm tự do của tôi đã thành công. Tôi đã trải qua tất cả các khổ ải của sự hiểm nguy trong chuyến vượt đại dương để đi tìm sự sống, tất cả có thể xảy ra như: bị chìm thuyền, bị hải tặc cướp và giết, bị bão tố phong ba … Tôi đã chấp nhận tất cả các hiểm nguy ấy, chỉ đổi lấy 2 chữ “Tự Do“. Tôi đã vượt qua những hiểm nguy trên với sự vô tư của tuổi thơ và sự lạc quan vô bờ bến, trong khi hàng vạn người khác đã không thoát khỏi. Ở đây tôi không muốn kể chi tiết chuyến vượt biên đầy hãi hùng của tôi vì các thuyền nhân khác đã kể đầy đủ rồi. Chuyện của tôi cũng na ná như vậy!

Đối với tôi sự việc đã rõ như ban ngày là quê hương tôi đã không cưu mang tôi mà còn xua đuổi tôi đến tận gốc. Tôi nhớ lời vị tổng thống Mỹ John F. Kennedy tuyên bố trong ngày nhậm chức:

- “Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho bạn, hãy tự hỏi bạn đã cống hiến gì cho Tổ Quốc!“

Câu danh ngôn này rất tâm đắc với tôi. Nhưng hỡi ôi! Tổ quốc tôi không những đã không làm gì cho tôi, mà còn lấy đi cơ hội để tôi không có thể cống hiến cho tổ quốc của tôi được nữa (1).

Tuy nhiên trong thời gian 30 năm trên xứ Đức cũng có đôi lần tôi bị người bản xứ kỳ thị vì khuôn mặt và xuất xứ của tôi. Nhưng nghĩ cho cùng, đó chỉ là những trường hợp rải rác không đáng kể, để cho tôi có thể trả lời một cách trung thực, khi ai đó hỏi cảm tưởng của tôi như thế nào về cuộc sống trên xứ Đức?

Tôi sống rất hạnh phúc và an bình trên xứ Đức, vì xã hội Đức đã chấp nhận tất cả các cá tính và con người của tôi. Một điều tôi vô cùng khâm phục là xã hội Đức đã không tìm cách đồng hóa tôi, như nước Mỹ, mà chỉ chờ đợi sự hội nhập của tôi vào trong guồng máy xã hội, từng điểm rồi từng điểm hòa nhập mà không đánh mất nguồn gốc của tôi. Không những vậy họ còn khuyến khích tôi nên giữ gìn văn hóa và tiếng Việt mến yêu.

Khi tôi cần sự giúp đỡ nước Đức đã giang rộng bàn tay. Nếu phải cần tri ân xứ sở Đức, bản danh sách sẽ rất dài mới viết đủ: đó là những người chăm sóc trong trại tị nạn ở Đức của tôi, bà Neumann, cô giáo đầu tiên, người đã dạy tôi những chữ Đức vỡ lòng với những văn phạm căn bản khó khăn (mà tôi thấy hay và dễ học hơn văn phạm giản đơn bây giờ); sau đó là những thầy cô như bà Graßhoff và ông Grube; những người bạn Đức của tôi đã đón nhận tôi một cách chân tình.

Cuối cùng tôi xin tri ân gia đình cha mẹ nuôi Wagemann của tôi, từ bố mẹ Gertrud và Hans-Günther đến các em Johannes và Friedrich, đã đón nhận tôi và mang lại cho tôi một mái ấm gia đình đầy hạnh phúc. Họ đã cho lại tôi một tuổi thơ quí giá mà tôi tưởng chừng như đã bị cướp mất.

Mọi người nói trên đã giúp đỡ tôi từ một lý do duy nhất, đó là “Tình Người“. Vì vậy tôi phải thốt lên câu: Xứ Đức ơi, xin cảm ơn người!

1) Hai danh từ Quê Hương và Tổ Quốc được tôi dùng cho những người cầm vận mệnh nước Việt Nam.

 

oben

Trở về trang trước

Văn phòng hướng dẫn, giúp đỡ người Việt


Địa điểm:

DRK-Landesverband

Berliner Rotes Kreuz e.V.

Bundesallee 73

12161 Berlin

Tel: 030-600 300 1234


Giờ làm việc:

Thứ sáu 12 - 16 giờ



Nhà bảo trợ

Primus-concept

Abitzcom

Recart
Druckerzubehör GmbH


Kooperationspartner:

DRK



Bundesinstitut für Risikobewertung BfR



Home - Steinick Finanz