DANKE DEUTSCHLAND

HỘI NGỘ và TRI ÂN

Trang nhà Mục lục                    

Người Việt tại Bá Linh: Khổ ải và thành công

Giáo sư Barbara John

 

Begrüßungswort der Ausländerbeauftragte des Senats Berlin a.D. Frau Prof. Barbara John, Neujahrsfest 2008. Người Việt tại Bá Linh là một câu chuyện bắt đầu cách đây hơn 30 năm với khoảng 2000 nam phụ lão ấu đã được đón nhận ở Tây Bá Linh trước đây. Dạo đó, Cộng Hòa Liên Bang Đức đã ra một đạo luật mới đặc biệt gọi là Đạo luật về Tỵ nạn Định số. Nghĩa là số lượng người được đón nhận theo dạng này sẽ hưởng chế độ tỵ nạn để đảm bảo sự lưu trú và lao động mà không phải thông qua một thủ tục khác, nghĩa là không như trường hợp phổ biến đối với người xin tỵ nạn theo luật tỵ nạn của nước Đức.

Mặt sau những quy định thủ tục có tính cách quan liêu và vang vọng ẩn tàng hàng ngàn số phận con người khởi đầu từ cuộc chiến tranh Đông Dương và đã kết thúc trong tháng tư năm 1975 bằng cuộc tiến quân của bộ đội Cộng sản vào thành phố Sài Gòn. Trong những năm sau đó, làn sóng tỵ nạn to lớn đã khởi màn từ miền Nam Việt Nam. Máy bay không thể sử dụng được; không có một cách hợp pháp nào để xa lánh được chế độ độc tài cộng sản của nhiều thập niên sau đó. Chỉ có biển Đông đã mở ra cho họ và nó cũng đã cướp đi mạng sống của nhiều người tỵ nạn – theo báo cáo, mỗi năm có đến 20.000 người đã không còn sống sót từ giữa năm 1976 đến những năm thuộc thập niên 90; họ bị chết vì đói hoặc chết đuối, bị hải tặc cướp bóc và ném xuống biển hay bị các toán thuyền tuần tiểu Việt Nam mang trở vào đất liền, nên số lượng người được cứu sống không nhiều hơn số người đã thiệt mạng. Những gì chúng ta hầu như mỗi ngày nghe được về người tỵ nạn từ Maghreb tìm cách vượt Trung Hải để đến hòn đảo Lampedusa thuộc Ý Đại Lợi cũng đã làm sống lại sự kinh hoàng của thảm trạng trong vùng biển Á đông.

Một thương thuyền được những hỗ trợ viên người Đức, họ là ký giả, bác sĩ và y tá, sửa sang lại mang tên Cap Anamur dưới sự điều hành của ông Rupert Neudeck đã có thể cứu vớt được hàng ngàn mạng sống của những người được gọi là Thuyền Nhân. Nhiều quốc gia phương Tây, trong đó có Cộng Hòa Liên Bang Đức vì áp lực của quần chúng nên cũng đã lên tiếng sẳn sàng đón nhận số người tỵ nạn này, thậm chí ngay trong những tình huống đặc biệt, xin xem quy định về tỵ nạn định số.

Ngay cả trước khi nhậm chức một nhiệm sở mới được thành lập của Đặc ủy viên vụ Người nước ngoài trong năm 1981, tôi đã tiếp xúc với những người tỵ nạn đầu tiên đến từ Việt Nam và có liên quan đến việc tổ chức các lớp học tiếng Đức. Dạo đó tôi đã đào tạo giáo viên cho môn Đức ngữ là ngôn ngữ hai tại Đại Học Berlin. Mối liên hệ này càng khắn khít hơn sau khi tôi nhậm chức. Tôi đã đến thăm viếng các Trung tâm Tư vấn và Chăm lo người Việt tỵ nạn được Hội Hồng Thập Tự và Caritas thành lập. Ở những nơi này tôi đã làm quen với nhiều cá nhân người tỵ nạn và qua đó biết được những thảm trạng trên đường tỵ nạn của họ: Từ những gia đình đã bị chia cách, vì chuyến hành trình xuyên đại dương đầy hiểm nguy đe dọa tính mạng đối với người cao tuổi là điều không thể hoặc một phần thân nhân của một đại gia đình đã được các nước khác đón nhận. Tôi được nghe kể về hành động của bọn hải tặc, trước hết chúng cướp bóc người tỵ nạn rồi liệng nhiều người xuống biển; đối với phụ nữ, trước tiên chúng „nới tay“ để giam giữ rồi cưỡng hiếp họ. Đa phần người tỵ nạn thuộc tầng lớp trung lưu như bác sĩ, doanh nhân, phi công, kỹ sư hay giáo viên. Đối với tầng lớp ưu tú này sẽ không có chỗ đứng trong một Việt Nam Cộng sản, cả về chính trị lẫn xã hội hoặc kinh tế. Vì thế cho nên nhiều người đã liều mạng để tìm cho bản thân và con cái họ một tương lai mới và họ đã mất tất cả, theo tổ chức nhân đạo „Médecins du Monde“ cho biết.

Vì vậy thành phố Bá Linh đã trở thành một quê hương mới cho ít người trong số họ: Một thành phố với hơn 9.000 cây số đường bay cách Sài Gòn, văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo xa lạ, chưa quen thuộc. Một cộng đồng Việt Nam có thể giúp họ dễ dàng trong những bước đầu tiên trong việc duy trì và bảo tồn nền văn hóa và ngôn ngữ của họ dạo đó chưa có mặt tại Tây Bá Linh. Những người mới đến đã tìm cách tự giúp bản thân mình. Đến năm 1983, với sự hỗ trợ tài chánh và ý kiến của nhiệm sở tôi, ngôi „Nhà Việt Nam“ đã được thành lập.

20 năm sau đó, công việc của cơ sở này đã bị giới hạn trong những hoạt động tự nguyện, vì kinh phí dành cho cơ quan Đặc ủy Hội nhập đã bị đình chỉ. Một trong những trọng tâm của công việc – ngoài trách vụ căn bản như giúp đở học sinh, các dịch vụ dịch thuật, giúp đở tìm nhà ở và xin việc, giờ học tiếng mẹ đẻ vào cuối tuần, sinh hoạt âm nhạc, sân khấu và giữ gìn truyền thống – còn có việc tư vấn gia đình trong tình huống khủng hoảng như xung đột giữa các thế hệ và vợ chồng. Nguyên nhân của nó là truyền thống văn hóa và xã hội đã mất đi năng lực định hướng ở xứ lạ quê người. Mà điều này trước đây được xem là những quy dẫn cho sự liên hệ giữa người già và trẻ, giữa nam và nữ giới, giữa các ngành nghề. Nhưng nếu người Cha và Ông Nội đã không còn có thể chỉ dẫn cho đứa cháu một hướng đi trong xã hội mới và khi người Mẹ hoàn toàn không thể tư vấn cho đứa con gái trong việc chọn bạn hoặc người bạn đời thì sự xa lạ cũng đã bắt đầu có mặt ngay trong cuộc sống gia đình. Những người Việt hay Đức giúp đở các gia đình ấy thường không thể can thiệp hòa giải được, vì thế các thân nhân trong gia đình đã phải tự giải quyết với nhau xem cái gì cần gìn giữ và cái gì mới nên được tiếp thu. Nhiều người đã thành công, nhưng cũng không ít người thất bại.

Năm 1989, bức tường sụp đổ, câu chuyện người Việt Bá Linh lại ghi thêm một chương mới. Xin chỉ đề cập rất ít ở đây. Không như những Thuyền Nhân đã bỏ quê hương tìm tỵ nạn, mà những người Việt sống ở Đông Bá Linh trước đây là công nhân hợp đồng được đưa đến Đông Đức để lao động. Người ta đã tường thuật rất nhiều về điều kiện sinh sống của họ ở đó. Một vài sự kiện được nhắc đến để phác họa một hình ảnh về tình trạng sinh sống cực kỳ khác biệt thậm chí ngay cả ở Việt Nam. Đa phần họ đến từ miền Bắc và Trung Việt Nam, nhiều người đã có nghề thủ công, hay làm nghề nông hoặc những binh lính trước đây và không có trình độ nghề nghiệp; họ là thành phần được xem là trung thành với đường lối chính trị của đảng, bằng không họ sẽ không được phép cư trú trong một quốc gia cộng sản anh em. Họ sống trong các ký túc xá tại Marzahn và Hellersdorf và xa cách quần chúng địa phương; họ bị những người gọi là „chăm sóc viên“ Đức Việt kiểm soát. Ngay sau khi biên giới mở cửa, nhiều người đã đến khu vực phía Tây thành phố để xin tỵ nạn với hy vọng rằng sẽ không bị áp lực trả về nước bởi những cán bộ Việt Nam hay bị trục xuất về nước như người nước ngoài có hợp đồng lao động hạn định. Đã có biện pháp lưu trú cho một số lớn; một số ít nhận tài chánh giúp đở và đã quay trở về nước.

Sau đó một thời gian ngắn đã mở màn một giai đoạn đen tối nhất, khi các tổ chức buôn lậu Việt Nam với nhiều thành viên mới sang tỵ nạn đã thanh toán nhau vì việc buôn bán thuốc lá lậu. Dẫn đến những cuộc chiến băng đảng và hành vi tra tấn, khi con buôn muốn trái ý chủ hoặc chống đối việc buôn bán này. Những hình thức kiểu Mafia đã được áp dụng đối với những người Việt còn tá túc trong các nhà tập thể trước đây. Dạo đó, tôi đã nỗ lực hết mình trong quốc hội và hội đồng thị trưởng để tìm cách dẹp tan những ổ tội phạm và tống tiền như vậy cũng như tìm cách đưa những người sống trong nhà ở tập thể ra ngoài ở các căn hộ riêng. Điều cũng không thể tưởng tượng nổi là có nhiều công nhân hợp đồng ở khu vực phía Đông nay đã trở thành một thành phố tự do đã bị thanh thiếu niên Đức đánh đập tàn nhẫn, có hai trong số đó đã bị đánh chết trên đường phố.

Nếu bây giờ người dân Bá Linh gốc Việt của thành phố này và cư dân ở đây nói lời cám ơn, thì điều này đã thể hiện một chút gì về năng lực của thành phố, của những con người khác văn hóa có thể cùng sống chung nhau, mặc dù có nhiều thiếu sót cần phải khắc phục nhiều hơn và thiết thực hơn. Người tỵ nạn Việt Nam đã làm giàu cho thành phố Bá Linh với những công nhân, những người học hỏi giá trị của Khổng và Phật Giáo và tôi hy vọng rằng Bá Linh cũng sẽ giúp họ trở thành những người Bá Linh đầy nhiệt tình.

Ngày nay, người Việt Nam đã thiết lập được những nhóm dân nhập cư thành công nhất. Chúng ta đã gặp họ ở khắp nơi trong thành phố, họ là những tiểu doanh nhân chăm chỉ như loài ong, giàu sáng kiến và thân thiện với khách hàng nên đã giúp cho nghành thương mại và sự chuyển hóa nở hoa. Đối với con cái của họ, chúng đã rạng danh bằng những thành quả giáo dục trong học đường và đại học. Có hơn 80 phần trăm hiện nay đã nhận quốc tịch Đức. Và những người Đức này đến từ Viễn Á hiện cùng với con cái và cháu chắt quyết duy trì truyền thống của họ. Một sự hoan hỷ luôn có mặt khi được cùng họ đón mừng các lễ hội, chẳng hạn lễ hội Tết Nguyên Đán.

chuyển ngữ Ngô Ngọc Diệp


Trở về trang trước

Văn phòng hướng dẫn, giúp đỡ người Việt


Địa điểm:

DRK-Landesverband

Berliner Rotes Kreuz e.V.

Bundesallee 73

12161 Berlin

Tel: 030-600 300 1234


Giờ làm việc:

Thứ sáu 12 - 16 giờ



Nhà bảo trợ

Primus-concept

Abitzcom

Recart
Druckerzubehör GmbH


Kooperationspartner:

DRK



Bundesinstitut für Risikobewertung BfR



Home - Steinick Finanz